Phân tích Trận_Hohenfriedberg

Friedrich II nhìn quân sĩ khoe các quân kỳ Áo-Sachsen bị tịch thu sau trận Hohenfriedberg, tranh của Carl Röhling (1920).

Friedrich II, trong niềm vui chiến thắng, đã viết thư cho thống chế Leopold I von Anhalt-Dessau (cha của thống chế Leopold II von Anhalt-Dessau, một trong những người tham gia trận đánh): [18]

Đây là điều tốt nhất mà tôi đã từng thấy. Quân đội đã vượt lên chính mình
— Friedrich II

Dù trình độ và kinh nghiệm thực tiễn của nhà vua và quân đội còn hơi non, trận Hohenfriedberg là lần đầu tiên họ xử lý thành thạo mọi khía cạnh của nghệ thuật chiến tranh. Friedrich đã thành công lớn trong các khâu chuẩn bị trận đánh, từ việc nhanh chóng tập trung lực lượng ở Schlesien, tới việc giả vờ rút lui dụ đối phương vào đồng bằng Schlesien – nơi có địa hình tác chiến lý tưởng cho quân đội Phổ, rồi việc tổ chức cuộc hành quân đêm bất ngờ tiếp cận vị trí quân Áo-Sachsen. Ông còn ứng xử một cách chủ động, nhạy bén sau khi quân tiền phương Phổ vượt sông Striegau và phát hiện đối phương dàn quân rộng hơn ông tưởng. Kết quả là quân Áo-Sachsen bị đánh khi không kịp triển khai đội hình, từng tiểu đoàn một phải chiến đấu biệt lập, không thể hiệp đồng tốt. Khi đã vào trận, cả ba binh chủng chính của Phổ là bộ binh, kỵ binh, pháo binh đều tác chiến hiệu quả.[24]

Ở một góc nhìn khác, khi trận đánh thực sự nổ ra, Friedrich gần như không còn kiểm soát được điều gì. Diễn biến trận Hohenfriedberg cũng không khác trận Chotusitz 3 năm trước đó: nó bao gồm một loạt cuộc giao chiến độc lập, trong đó mỗi bộ phận quân đội Phổ đánh một trận riêng của mình. Các đơn vị viện quân thường tự mình bị kéo vào trận đánh hơn là theo mệnh lệnh của các chỉ huy cấp cao.[5] Đòn đột phá quyết định khép lại trận đánh của trung đoàn long kỵ Bayreuth cũng là một tình huống kỳ lạ. Theo cải cách kỵ binh của Friedrich tháng 7 năm 1744, long kỵ binh phải đứng ở tuyến thứ hai trong đội hình kỵ binh, và chỉ được xông lên giáng vào các cánh sườn địch sau khi địch đã thua.[24] Nhưng trong ngày diễn ra trận đánh Hohenfriedberg, nhà vua và các chỉ huy cao cấp đã quên không giao một việc hữu ích nào cho trung đoàn này. Lúc bình minh, trung đoàn long kỵ Bayreuth đứng canh gác gần rừng Nonnen-Busch, đề phòng khinh kỵ Áo từ trong rừng rậm trồi ra quấy rối các sườn quân Phổ. Từ đây, họ theo chân bộ binh vượt sông Striegau tại Teichau và cuối cùng đến phía nam Günthersdorf, không hề tham gia các trận đánh giữa kỵ binh hai bên.[18] Đến khi phần lớn liên quân Áo-Sachsen đã tan chạy, chỉ có bộ binh trung tâm Áo còn cự lại được bộ binh Phổ, từ đây sự đưa đẩy của số phận cũng như sự chủ động của các sĩ quan trung đoàn Bayreuth đã khiến "Bayreuth" trở thành cái tên nức tiếng trong quân sử Phổ.[5] Sau trận đánh Friedrich đã thốt lên:[24]

Những người của trung đoàn Bayreuth là những Caesar chính hiệu. Đủ hiểu nếu là ở Roma xưa, những đài kỷ niệm họ phải hoành tráng đến mức nào rồi đó!
— Friedrich II